Friday 30 March 2012

An toàn giao thông cho thế hệ mầm

Trẻ em là một trong những đối tượng có tỷ lệ chịu tác động cao từ các vụ tai nạn giao thông, mà nguyên nhân nhiều khi còn đến từ phía các em. Bởi vậy việc giáo dục và hướng dẫn luật an toàn giao thông ở lứa tuổi này là rất cần thiết.

Đưa luật giao thông vào giờ học
Vấn đề an toàn giao thông luôn là vấn đề được cả xã hội quan tâm, thu hút của cả xã hội. Trong những năm gần đây, vấn đề an toàn giao thông cho học sinh được cả xã hội quan tâm. Đầu năm 2010, Bộ giáo dục và đào tạo đã gửi công điện đến các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng…về việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên.
Đối với trẻ học mẫu giáo hay học sinh tiểu học, tư duy của trẻ là tư duy trực quan sinh động nên cách dạy cho trẻ hiệu quả nhất là phải kết hợp giữa lời nói và hành động. Hướng dẫn luật chủ yếu thông qua hình thức thi vẽ tranh giao thông hoặc đóng các tiểu phẩm vui với mô hình có cả chú cảnh sát giao thông phân luồng giao thông và người đi đường. Với hình thức và phương pháp dạy học trên, các em mới hiểu rõ, ghi nhớ và áp dụng khi tham gia giao thông. Vì thế, các em đều tỏ ra hào hức và thích thú với môn học. Bên cạnh đó giúp các em có ý thức và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của an toàn giao thông.

Bố mẹ hãy cùng dạy trẻ an toàn giao thông
Trẻ được học luật giao thông ở trường lớp nhưng hơn hết, cha mẹ phải là những người có nhiệm vụ dạy trẻ an toàn giao thông. Ở Hà Nội, rất nhiều trường tiểu học đã có xe buýt đưa đón học sinh nhưng nhiều em do không tiện đường vẫn phải do bố mẹ hàng ngày đưa đi đón về. Đối với những em này, việc cùng bố mẹ tham gia giao thông là cơ hội tốt cho các em thực hành các giờ học an toàn giao thông của mình. Bố mẹ có thể giải thích các tín hiệu trên đường giao thông cho trẻ khi đang tham gia giao thông, cho trẻ thực hành ở nhà những bài học cơ bản. Bố mẹ cần có sự kiên trì, hướng dẫn cụ thể cho trẻ. Đó là một trong những phương pháp tốt để xây dựng văn hóa giao thông cho trẻ.
Theo ông Đỗ Quang Hợp, học sinh được học an toàn giao thông khi cùng bố mẹ tham gia giao thông đã có tác động tích cực đối với hành vi tham gia giao thông của bố mẹ. Các em không chỉ nhắc nhở bố mẹ đội mũ bảo hiểm cho mình mà còn chú ý nhắc bố mẹ dừng đỗ khi có đèn đỏ. Nhiều bậc phụ huynh vì muộn giờ làm hoặc muốn vượt cho nhanh, khi nghe con nhắc nhở cũng đã không tự ý vượt đèn đỏ vì không muốn làm gương xấu cho bé.

Chị Linh (Thanh Xuân, HN) hết sức bất ngờ và ngượng với con vì một hôm đưa cậu bé con chị từ trường về nhà, vì đường đông, chị đi ngược chiều một đoạn để tránh tắc, bé Hoàng, con chị (8 tuổi, học trường tiểu học Nhân Chính) kéo áo chị nói: “Sao mẹ lại đi ngược chiều hả mẹ, ở kia có cái biển đỏ có dấu gạch ngang kia kìa mẹ”. Nghe con nói thế, chị biết là con được học luật giao thông ở trường nên phải xin lỗi con và chữa ngượng với con bằng cách quay lại để sang đường đi đúng. Chị cho biết, từ đó chị cũng thường xuyên hướng dẫn, giải thích cho bé Hoàng các hành vi khi cho bé tham gia giao thông cùng.

Cha mẹ nên làm gương cho con cái, tuân thủ đúng luật lệ giao thông để trẻ thấy và thực hiện theo. Nhưng cũng có một thực tế là nhiều bậc cha mẹ đã không thể làm mẫu cho con mà ngược lại còn làm cho các em thiếu đi sự tin tưởng ở người lớn. Khi bài học ở trên lớp vẫn còn làm các em hứng thú thì ra đường, nhìn dòng người và xe cộ đi lại không theo một quy luật nào, người chen người lấn, kẻ vượt đèn đỏ, kẻ lạng lách đánh võng các em sẽ có suy nghĩ như thế nào? Liệu các em có còn mong muốn đến các tiết học đầy lý thú và bổ ích?

Xây dựng văn hóa giao thông từ thế hệ mầm
Trẻ em có nhu cầu tìm tòi, khám phá và khả năng học hỏi rất cao. Những điều chúng nhìn thấy, chưa biết, chưa hiểu đều được hỏi cụ thể, không ai khác người lớn phải trả lời chúng. Những tín hiệu giao thông, những chiếc đèn xanh đỏ, những hành vi giao thông… mà trẻ nhìn thấy luôn làm chúng tò mò. Đó cũng là lúc thuận tiện nhất để dạy cho trẻ biết luật giao thông với những điều đơn giản nhất. Nếu người lớn hình thành ở trẻ một thói quen và ý thức tốt về an toàn giao thông, chắc chắn trẻ sẽ có nền tảng tốt để trở thành những công dân gương mẫu khi tham gia giao thông. Văn hóa và ý thức tham gia giao thông ở Việt Nam hiện nay chưa cao, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự học hỏi ở trẻ. Để có thể xây dựng văn hóa giao thông tốt ở Việt Nam thì người lớn không chỉ cần thay đổi hành vi tham gia giao thông của mình mà còn cần thường xuyên, liên tục hướng dẫn và giáo dục trẻ từ giai đoạn nền móng này.

No comments:

Post a Comment